Những điều bạn cần biết

HIV  một tình trạng làm hệ miễn dịch  của con người  bị suy giảm, tạo điều kiện cho những nhiễm trùng cơ hội và ung thư phát triển  mạnh, đe dọa mạng sống của người bị nhiễm.

Có nhiều đường lây nhiễm HIV như: lây truyền qua đường máu, lây từ mẹ sang con, lây từ đời sống tình dục thiếu trách nhiệm.

  1. Lây truyền HIV qua đường máu

HIV có nhiều trong máu toàn phần cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV.

Lây truyền HIV từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da như trong các trường hợp sau:

– Dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy.

– Dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu,…

– Dùng chung hoặc dùng khi chưa được tiệt khuẩn đúng cách các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh,… có xuyên cắt qua da.

Lây truyền qua các vật dụng có thể dính máu của người khác trong các trường hợp như dùng chung bàn chải đánh răng.

Lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây xát.

Lây truyền qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép các mô, các tạng,… bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu,… không được tiệt trùng đúng cách.

  1. Lây truyền HIV qua đường tình dục

– Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể (máu, dịch tiết sinh dục) nhiễm HIV (của người nhiễm HIV) xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV.

– Tất cả các hình thức quan hệ tình dục (dương vật – hậu môn; dương vật – âm đạo; dương vật – miệng) với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ là khác nhau, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn, rồi tiếp đến là qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.

  1. Lây truyền HIV từ mẹ sang con

Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể của thai nhi.

– Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây xát của trẻ trong quá trình đẻ). Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.

Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng.

Do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ về HIV nên nhiều người vẫn cho rằng HIV dễ lây kể cả qua tiếp xúc thông thường, hoặc cho rằng chỉ có người tiêm chích ma túy hoặc người mua bán mãi dâm mới bị HIV/ AIDS. Họ coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, nhiễm HIV là có tội, có lỗi. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử là rào cản lớn khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận với các dịch vụ phòng chống và điều trị HIV/ AIDS. Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV dấu diếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng  chống HIV. Đó là tình trạng người nhiễm HIV thiếu thông tin, kỹ năng phòng tránh lây truyền, HIV cho người khác. Khi không nhận được sự cảm thông, nâng đỡ của cộng đồng người nhiễm HIV trở nên bi quan, chán nản, thậm chí còn có những hành vi tiêu cực.