Kỹ Năng Lắng Nghe

Lắng nghe là một hành động hết sức cần thiết trong cuộc sống con người ngày hôm nay. Chúng ta đang sống trong một thế giới ồn ào. Mạng xã hội là một hấp dẫn, người ta dành nhiều thời gian cho Faceboook, Zalo, Instagram. Các mối tương quan giữa những người thân bị thu hẹp thậm chí còn bị mất dẫn đến những hố sâu ngăn cách tình con người. Nhận sâu nguy cơ đó, Caritas Phát Diệm đã tổ chức buổi tập huấn: “Kỹ năng tham vấn” và đặc biệt nhấn mạnh đến một khía cạnh của tham vấn đó là: “Kỹ năng lắng nghe” giúp các cộng tác viên, người có H và người khuyết tật đạt được những kiến thức cơ bản trong giao tiếp để tăng tình thân hữu giữa các mối quan hệ trong gia đình và tương tác ngoài xã hội.
1. Kỹ năng lắng nghe là gì?
Kỹ năng lắng nghe là khả năng tập trung vào người nói và hiểu rõ ý nghĩa của những gì họ đang truyền tải, bao gồm việc chú ý đến nội dung, những cảm xúc, suy nghĩ, động cơ của người nói. Kỹ năng lắng nghe còn là việc phản hồi lại người nói bằng cách sử dụng các câu hỏi, tóm tắt lại những gì đã được nghe để đảm bảo rằng thông điệp đã được hiểu đúng và đầy đủ.
Lắng nghe hiệu quả giúp người khác cảm thấy được tôn trọng và lời nói của mình có giá trị. Kỹ năng này là nền tảng của một cuộc trò chuyện thành công trong bất kỳ bối cảnh nào, dù ở nơi làm việc hay trong các tình huống hằng ngày.
2. Tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe
Lắng nghe là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống con người. Việc lắng nghe đa chiều và có chọn lọc giúp ta thu thập thông tin, thể hiện người có hiểu biết, mở rộng kiến thức, xây dựng lòng tin, giải quyết được vấn đề nhanh và thấu hiểu người đối diện. Chúng ta cùng đi vào tìm hiểu.
Tiếp nhận thông tin: Thông thường, người nghe có tương tác cao với người nói, họ cần nhớ lại các chi tiết cụ thể, đặc biệt là khi người nói đang hướng dẫn, giới thiệu về một quy trình, hoạt động cụ thể hoặc đưa ra những thông tin mà người nghe cần có trách nhiệm truyền đạt lại cho nhiều người nữa.
Thể hiện người có hiểu biết: Kỹ năng lắng nghe tốt thể hiện một người có sự hiểu biết sâu sắc, có thể phân tích và đánh giá chất lượng thông tin, lập luận của người nói, điều này đồng thời cũng cho thấy họ là người có tư duy phản biện và tôn trọng người khác.
Mở rộng kiến thức: Khi lắng nghe, chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều mới từ đối phương. Đây chính là cơ hội để nâng cao hiểu biết và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu.
Xây dựng lòng tin: Khi người nói cảm thấy đối phương tập trung lắng nghe và không phán xét hay can thiệp những lời mình nói, họ sẽ có cơ hội tâm sự và kể chuyện nhiều hơn. Điều này rất hữu ích khi gặp khách hàng hoặc đối tác làm việc mới.
Nhận biết và giải quyết vấn đề: Kỹ năng lắng nghe xuất sắc giúp người nghe dễ dàng nhận ra những khó khăn mà đối phương đang gặp phải hoặc các vấn đề không mong muốn. Điều này giúp họ nhanh chóng xác định và có kế hoạch, phương pháp để giải quyết chúng.
Mở rộng và nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp: Khi chân thành lắng nghe người khác nói, đối phương sẽ nhanh chóng cảm thấy thoải mái và giao tiếp thường xuyên hơn. Điều này giúp mở rộng và nuôi dưỡng nhiều mối quan hệ, phát triển hợp tác hiệu quả hơn với các đối tác, khách hàng.
– Giữ giao tiếp bằng mắt tốt
Trong một cuộc trò chuyện, giao tiếp bằng mắt đặc biệt quan trọng, điều này cho đối phương biết rằng người nghe đang có mặt, lắng nghe những gì họ nói và không bị phân tâm bởi bất cứ điều gì khác xung quanh.
– Đặt câu hỏi mở
Những câu hỏi đóng “Có hoặc Không” thường tạo ra những câu trả lời cụt ngủn và khiến cuộc trò chuyện trở nên bí bách. Điều này không hữu ích trong kỹ năng lắng nghe hiệu quả, gây khó khăn cho việc thấu hiểu đối phương vì không thể khám phá được nhiều điều từ một câu trả lời ngắn, không mang tính mô tả.
Thay vào đó, hãy hỏi những câu hỏi mở để thể hiện bản thân đang quan tâm đến những gì đối phương nói, chẳng hạn:
• Bạn cho tôi biết chuyện xảy ra như thế nào?
• Điều gì đã khiến bạn suy nghĩ như thế?
• Bạn nghĩ thế nào về chúng?
• Có những khía cạnh nào của vấn đề mà chúng ta chưa đề cập đến?
• Bạn nghĩ kết quả tốt nhất trong tình huống này là như thế nào?
• Bạn sẽ chọn hướng đi tiếp cho bạn là như thế nào?
3. Những điều cần có khi lắng nghe
Để cuộc gặp gỡ mang lại kết quả cao cần kiên nhẫn, không ngắt lời người đối diện, không phán xét, áp đặt để thấu hiểu người hơn.
Hãy kiên nhẫn
Kiên nhẫn là một kỹ thuật lắng nghe hiệu quả vì nó cho phép bản thân mỗi người tập trung lắng nghe mà không ngắt lời người khác. Kiên nhẫn không có nghĩa là cố gắng lấp đầy khoảng thời gian im lặng bằng những suy nghĩ hoặc câu chuyện của người nghe. Đừng chuẩn bị câu trả lời trong khi đối phương vẫn đang nói, cũng đừng thay đổi chủ đề quá đột ngột vì nó thể hiện sự thiếu kiên nhẫn.
Để lắng nghe tốt, cần phải tập trung hoàn toàn vào người nói, cố gắng hiểu rõ ý muốn và suy nghĩ của họ. Đôi khi, người nói sẽ diễn tả những suy nghĩ phức tạp hoặc không rõ ràng, lúc này người nghe cần phải kiên nhẫn để đối phương có thể diễn tả rõ hơn.
– Tuyệt đối không được ngắt lời
Tuyệt đối không ngắt lời khi đối phương đang nói, điều này khiến đối phương cảm thấy không được tôn trọng và mất hứng thú để chia sẻ tiếp câu chuyện. Hãy để người nói có không gian và thời gian để chia sẻ, giãi bày, đặt bản thân vào đối phương để cảm nhận và thấu hiểu.
– Không phán xét, áp đặt
Không ai muốn chia sẻ những câu chuyện của mình với một người bảo thủ, luôn lấy tư tưởng của mình áp đặt, phán xét người khác, rồi đòi hỏi đối phương phải đồng thuận và không được bảo vệ quan điểm của họ. Do đó, để có được kỹ năng giao tiếp hiệu quả, mỗi người cần có một tư tưởng cởi mở, khách quan và nhìn nhận mọi việc từ nhiều hướng khác nhau.
Hãy hạn chế cái tôi của bản thân trong giao tiếp, đừng lúc nào cũng cho rằng quan điểm của mình là đúng, việc tiếp thu, học hỏi từ người khác sẽ giúp mỗi người tiến bộ và hoàn thiện hơn mỗi ngày.
– Thấu hiểu khi lắng nghe
Trong nhiều trường hợp, người nghe cần tinh ý để nhận ra những ẩn ý mà đối phương muốn truyền đạt. Việc thấu hiểu giúp mỗi người có thể đưa ra phản hồi phù hợp, tạo ra không gian giao tiếp thoải mái và hiệu quả hơn.
– Lượng giá buổi tập huấn
Qua những hướng dẫn của cha trưởng ban mục vụ gia đình và chuyên trách HIV, các tham dự viên đã tham gia rất tích cực và sôi động qua những câu hỏi và những màn sắm vai các tham dự viên đã nhận thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe trong cuộc sống để tạo mối tình thân, hiểu được đối phương, giúp giảm căng thẳng và tạo niềm vui trong cuộc sống, cải thiện mối quan hệ xã hội, giúp người khác cảm thấy mình được quan tâm và tôn trọng. Vì lắng nghe giúp hiểu tâm tư, suy nghĩ và cảm xúc của người khác từ đó đưa ra các chiến lược giao tiếp hiệu quả hơn và tìm được nguyên nhân để giải quyết vấn đề cho thân chủ.
.
.
.
.
.
.

all

situs toto slot