1. Linh đạo là gì?
Linh đạo là con đường trong đời sống nội tâm dẫn đưa con người tới cuộc sống có ý nghĩa phong phú và hạnh phúc viên mãn. Linh đạo kết tinh những giáo huấn khôn ngoan, những kinh nghiệm quý báu về tinh thần được hiền nhân bao đời tích lũy và lưu truyền. Nhờ đó, khi sống theo linh đạo, người ta được khai tâm mở trí trên đường tìm về Chân Thiện Mỹ. Họ kín múc từ đó nguồn lực linh thiêng chi phối mọi hoạt động trong đời mình. Linh đạo thường được các tôn giáo truyền dạy và hướng dẫn thực hành.
2. Linh đạo Ki-tô giáo
Linh đạo Ki-tô giáo đặt nền tảng trên giáo huấn và đời sống của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa thật và là con người thật. Đức Giê-su là khuôn mặt “hữu hình của Chúa Cha vô hình”, là “Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6), dẫn đưa nhân loại đến cùng Thiên Chúa Cha.
Ki-tô hữu là người theo linh đạo Ki-tô giáo, tức là bước theo Đức Giê-su Ki-tô, trở nên ‘đồng hình đồng dạng’ với Ngài, chia sẻ chính sức sống của Ngài. Ơn gọi, sứ mạng của Ki-tô hữu là làm môn đệ của Đức Giê-su, làm chứng nhân của Ngài cho trần gian.
Tuy cùng theo Đức Giê-su, nhưng qua dòng lịch sử Giáo Hội, đã có những vị thánh, những dòng tu,… vạch ra những ‘đường lối nên thánh’ với điểm nhấn mạnh khác nhau. Người ta cũng gọi những đường lối này là ‘linh đạo’.
Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, những người theo các linh đạo đó muốn thể hiện một khía cạnh riêng biệt nơi Đức Ki-tô. Mỗi linh đạo là một hướng đi, một cách sống riêng, để đưa các giá trị cao siêu của Tin Mừng thâm nhập và biến đổi từ bên trong những bối cảnh văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, địa lý khác biệt.
Chúa Thánh Thần hằng gìn giữ, hướng dẫn và canh tân Hội Thánh trong cuộc hành trình đức tin trên trần gian này.
Mọi Ki-tô hữu, nhờ bí tích Thánh Tẩy, được mời gọi thực thi sứ mạng của Giáo Hội. Bởi vậy dù theo linh đạo nào, thì sống “linh đạo” phải là ‘sống theo Thần Khí’ (Rm 8,4) và sống trong sự hiệp thông với Hội Thánh. Nói thế có nghĩa là, họ phải sống đức tin, thực thi lòng mến Chúa yêu người theo mẫu gương của Chúa Kitô dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Họ phải được Giáo Hội là Mẹ và Thầy dạy dỗ bằng lời giáo huấn và nuôi dưỡng bằng ân sủng của các bí tích và Lời Chúa.
3. Linh đạo Caritas
‘Caritas’ là tiếng La-tinh, có nghĩa là: bác ái, tình yêu rộng lớn. Caritas là tổ chức trong Giáo Hội Công giáo có nhiệm vụ điều phối, cổ võ việc thực thi bác ái xã hội. Vì vậy, Caritas không phải là một cơ quan từ thiện xã hội thuần tuý, và hội viên Caritas cũng không làm việc bác ái với cùng một động lực và ý hướng hay cách thế như một nhân viên công tác xã hội. Như mọi hoạt động của Giáo Hội, hoạt động của Caritas phải được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần. Do đó, Caritas có một ‘linh đạo’ để hướng dẫn đời sống của người làm công tác bác ái xã hội. Sống “linh đạo Caritas” là sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ tham dự một cách trung thành và tin tưởng vào sứ mạng của Chúa Ki-tô là yêu thương mọi người, đặc biệt những người nghèo, người đau khổ bệnh tật, người bị bỏ rơi. Lời Chúa, truyền thống và giáo huấn về bác ái của Hội Thánh là suối nguồn cho linh đạo Caritas.
4. Linh đạo Caritas Việt Nam
Là người Việt Nam, chúng ta kế thừa truyền thống đạo đức dân tộc vốn đề cao lòng hiếu thảo, tình gia tộc, tình làng nghĩa xóm, tình đồng hương đồng bào, mối tương thân tương ái, ‘lá lành đùm lá rách’, tôn trọng sự hài hoà, và các sinh hoạt cộng đồng. Hội viên Caritas trân trọng giữ gìn những nét văn hoá đó và làm cho đẹp thêm bằng cách sống linh đạo của mình. Linh đạo Caritas vạch ra cho mọi người con đường nên thánh bằng cách nhờ ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sống và trở nên hiện thân của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay.
Nền tảng linh đạo này là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Thiên Chúa là Tình Yêu. Mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi tình yêu ấy, và mọi sự đều quy hướng về tình yêu ấy.” Để hiểu biết tình yêu Thiên Chúa, hội viên Caritas Việt Nam được mời gọi chiêm ngưỡng và bắt chước Chúa Giê-su Ki-tô, Hiện Thân Tình Yêu Chúa trên trần gian. Nơi Ngài, chúng ta nhận ra:
Một Thiên Chúa Nhập Thể luôn sẵn sàng ra khỏi chính mình:
– sẵn sàng tự hạ và hủy mình ra không,
– tự đồng hoá mình với người hèn mọn,
– để cho con người được làm con Thiên Chúa;
Một Thiên Chúa hiệp thông:
– nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
– “hy sinh thân mình, phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14),
– để quy tụ nhân loại vào trong gia đình Thiên Chúa;
Một Thiên Chúa Tình Yêu quyết định trở nên người nghèo:
– gần gũi với tội nhân và kẻ khốn cùng,
– hiến thân chịu chết trên cây thập giá,
– để cho muôn người được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Điều rất quan trọng là người hội viên phải sống kết hiệp với Chúa Giê-su Ki-tô, cách riêng, gặp gỡ Ngài trong bí tích Thánh Thể, để Ngài đổi mới tâm hồn và thúc đẩy họ làm sứ giả tình yêu và chứng nhân Tin Mừng của Ngài. Hội viên Caritas hoạt động mở Nước Chúa ở khắp mọi nơi và cho mọi người nhưng đối tượng Caritas phục vụ cách đặc biệt là người nghèo, nghèo về vật chất cũng như tinh thần. Việc bác ái trong Caritas, kế thừa truyền thống thực thi bác ái và dựa trên học thuyết xã hội của Hội Thánh, là việc bác ái có tổ chức nằm trong cơ cấu của Hội Thánh địa phương cũng như Hội Thánh toàn cầu.